Vén màn chiến lược Marketing của nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới - Xiaomi


Nhà sản xuất điện thoại lớn thứ ba thế giới, thực hư thế nào...


Xiaomi là một hãng điện thoại đã không chỉ làm cho mình mà toàn bộ thế giới phải ngưỡng mộ với sự tăng trưởng nhanh chóng khi đã vươn lên đứng vị trí thứ ba trong ngành sản xuất smartphone chỉ sau hai gã khổng lồ Apple và Samsung. Theo mình đọc trong báo cáo gần nhất vào quý II/2021, Canalys - một công ty nghiên cứu thị trường cho thấy: Xiaomi đã vượt qua Apple để chiếm vị trí thứ 2 thế giới sau Samsung với gần 17% thị phần – trong khi Apple khoảng 14% thị phần. So với thị trường điện thoại thông minh đang ngày càng bão hòa với vô vàn những thương hiệu khác nhau như Huawei, Oppo hay Vivo thì quả thực Xiaomi vẫn chứng tỏ mình là đối thủ đáng gờm.



Xiaomi đã áp dụng thành công chiến lược marketing “giá thấp nhưng chất lượng cao” khi  so với Samsung và Apple, những chiếc smartphone của Xiaomi có giá bán rẻ hơn 40% - 75%, do đó dễ tiếp cận hơn ở các nước đang phát triển. Chính vì chiến lược chi phí thấp kết hợp lựa chọn phân khúc thị trường đúng đắn, Xiaomi đã có được những bước tiến vượt bậc như vậy. Mình tin là trong tương lai, nếu Xiaomi tiếp tục phát triển các chiến lược kinh doanh và truyền thông sản phẩm khác biệt của mình, hoàn toàn có khả năng đây sẽ là chiếc điện thoại mà người người nhà nhà ai cũng có.


Đi sâu tìm hiểu về chiến lược marketing này, mình nhận thấy rằng…


Phân tích theo mô hình 4P, mình lại càng ấn tượng hơn với những chiến lược tài tình mà Xiaomi đã áp dụng để đạt được những thành công như ngày hôm nay. Hãy cùng mình xem đó là gì nhé !


1. Product: Xiaomi đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm:


Nhà mình đã có người sử dụng Xiaomi và phải nói rằng các tính năng và cấu hình, thiết kế của Xiaomi thực sự chất lượng. Hệ điều hành MIUI được xây dựng trên cơ sở OS Android đã mang đến cho Xiaomi nhiều ứng dụng thú vị và hấp dẫn. Ngoài những mẫu mã thuộc phân khúc hàng cao cấp như Xiaomi Mi và Xiaomi Mi Note thì sản phẩm thuộc phân khúc hàng trung cấp như máy tính bảng Redmi Note cũng dễ dàng thỏa mãn người dùng với những tính năng độc đáo. Theo mình, thiết kế của Xiaomi cũng rất cuốn hút với màn hình rộng và sắc nét, độ dày vừa phải nên cầm rất nhẹ và chắc tay. Xiaomi cũng đưa ra những mẫu mã đi đầu xu hướng như Xiaomi Mi Mix nổi tiếng là chiếc điện thoại không viền đầu tiên trên thế giới. Nhìn chung thì Xiaomi luôn đưa ra những thiết kế đa dạng cũng như nâng cấp các tính năng liên tục không thua kém gì các ông lớn Samsung và Apple.




2. Price: mức giá sản phẩm vô cùng bình dân:


Xiaomi đã rất thông minh khi lựa chọn chiến lược định giá thấp làm cốt lõi cho sản phẩm của mình. So sánh với Apple hay Samsung bây giờ, một chiếc điện thoại của Xiaomi có thể nói rẻ hơn rất nhiều, thậm chí có người còn không tin rằng một sản phẩm chất lượng như vậy lại có mức giá siêu khiêm tốn. Mức giá trung bình sản phẩm Xiaomi thấp hơn tới 40% so với đối thủ Hàn Quốc và 75% so với đại gia công nghệ Mỹ, trong khi các tính năng quan trọng của máy lại không quá thua kém. Chính vì suy nghĩ đó giúp cho Xiaomi thu hút được lượng người mua đông đảo, bước đầu thâm nhập thị trường và chiếm được thị phần lớn. 


Cũng có người sẽ hỏi rằng, liệu áp dụng chiến lược như vậy có phải Xiaomi đang tự tạo ra thiệt thòi cho mình? Sự thật không phải như vậy. Ngoài chi phí về sản xuất, các thương hiệu còn mất thêm nhiều chi phí khác như marketing, quảng cáo, định vị thương hiệu, xây dựng cửa hàng bán lẻ, lao động,... Tuy nhiên, Xiaomi đã bỏ qua các mô hình quảng cáo truyền thống mà tập trung xây dựng quảng cáo trên các nền tảng social media và qua truyền miệng. Hãng đã không phải mất một khoản phí nào để chi trả cho hoạt động các chuỗi cửa hàng bán lẻ, hay chi phí thuê nhân công. Ngoài ra, Xiaomi cố gắng cắt giảm chi phí ở mọi giai đoạn. Không giống như các đối thủ lớn thường làm - ngừng sản xuất các mẫu cũ chỉ sau 6 đến 8 tháng ra mắt, Xiaomi duy trì sản xuất sản phẩm đó trong khoảng thời gian dài hơn vì tin rằng giá điện thoại sẽ mãi bền vững.


3. Place: Xiaomi đã lựa chọn thị trường phân phối sản phẩm hợp lý: 


Có thể ai cũng đoán được một chiếc điện thoại bắt nguồn từ Trung Quốc thì đương nhiên đó sẽ là nơi tiêu dùng nhiều nhất. Thực ra cũng không có quá khó đoán. Trung Quốc - một thị trường vô cùng béo bở với các nhãn hàng - đã có đến 90% lượng người sử dụng sản phẩm của Xiaomi so với thế giới. Xiaomi cũng phát triển tại Ấn Độ, hay Đông Nam Á, nơi tập trung các nước đang phát triển có nhu cầu cao về các mặt hàng giá rẻ nhưng chất lượng. Theo báo cáo của Canalys trong quý II/2021, Xiaomi đã chứng tỏ được vị trí số 1 của mình tại khu vực Đông Nam Á với thị phần chiếm 22%. Sự nhận diện thương hiệu cũng như tiêu dùng sản phẩm tại các nước này cũng đóng góp một phần quan trọng vào tổng doanh thu của Xiaomi, tuy nhiên phần lớn vẫn đến từ Trung Quốc đại lục. 


Chắc mọi người đều thấy được chiến lược khôn ngoan của Xiaomi khi lựa chọn phân khúc thị trường. Thay vì tập trung vào các thị trường lớn như châu Âu hoặc châu Mỹ - nơi mà Apple và Samsung đang chiếm ưu thế thì Xiaomi đã hướng tới những thị trường nhỏ hơn nhưng tiềm năng phát triển lại rất lớn. Theo ý kiến của mình thì Xiaomi hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các ông lớn trên thế giới, khi dựa theo báo cáo của Counterpoint, nhà sản xuất smartphone Xiaomi đã chính thức vượt mặt Apple về doanh số bán ra ở thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi vào quý II/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Và theo báo cáo của Canalys, trong quý II/2021, số lượng sản xuất smartphone của Xiaomi tại Mỹ Latinh tăng cao đã giúp Xiaomi vươn lên vị trí thứ 3 tại đây.



4. Promotion: tận dụng mạng xã hội và truyền miệng triệt để:


Như đã đề cập, Xiaomi ưu tiên tập trung xây dựng cộng đồng trên các kênh social media của mình. Xiaomi rất tích cực theo dõi và tương tác với những người hâm mộ của mình, điển hình là các kỹ sư dành thời gian trả lời, hướng dẫn sử dụng các tính năng, ứng dụng mới. Xiaomi thậm chí còn lập những diễn đàn, hội nhóm kết nối những người yêu thích Xiaomi - hay còn được gọi với cái tên thân thương là Mi Fans và giải đáp những thắc mắc cho người dùng. 


Khác với Apple và Samsung luôn có những chiến dịch quảng cáo rất độc đáo kết hợp với những người nổi tiếng, mình thấy chiến lược của Xiaomi thực sự rất đơn giản. Hãng chỉ tập trung vào xây dựng cộng đồng cho người hâm mộ, từ đó sử dụng Marketing truyền miệng để lan tỏa tới nhiều người dùng hơn, thay vì chi tiền cho các chiến dịch rầm rộ. Nếu một ngày lướt web mọi người để ý có thể thấy quảng cáo về Xiaomi rất ít, hầu như là không có so với các đối thủ cạnh tranh khác. Xiaomi cũng không có các chuỗi bán lẻ trực tiếp để phân phối sản phẩm rộng rãi hơn nên social media chính là nguồn marketing chính của hãng. Tuy nhiên theo mình về lâu dài thì Xiaomi nên đa dạng các chiến lược promotion của mình để mở rộng được thị trường cũng như thu hút được nhiều khách hàng hơn.










Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

5 MỐI QUAN HỆ BẠN CẦN XÂY DỰNG KHI CÒN LÀ SINH VIÊN ĐẠI HỌC

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN GIỮA MÙA DỊCH?